Phong cách vườn truyền thống của nhật bản

Phong cách vườn truyền thống của nhật bản

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on reddit
Share on email

Một khu vườn Nhật cơ bản thường bao gồm các yếu tố: hồ nước, đá, cây và những thực vật nhỏ hơn. Theo những nghệ nhân làm vườn, khu vườn là sự mô tả thiên nhiên một cách chính xác nhất và cũng thể hiện được lòng kính trọng của con người đối với tự nhiên. Thậm chí nhìn vào khu vườn Nhật, bạn còn có thể thấy được cả 4 mùa trong đó. Phong cách thiết kế khu vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu nhất vẫn là 3 phong cách truyền thống: Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama.

Kiểu vườn cảnh Karesansui( Khô Sơn Thủy)

Mẫu sân vườn Karesansui là loại sân vườn đá, hay sân vườn khô, hay còn gọi là sân vườn thiền định (Zen garden). Đây là loại sân vườn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Phật giáo thiền phái, và được sử dụng trong các ngôi đền Nhật Bản. Là phong cách duy nhất chỉ có ở Nhật, nên cũng có nơi gọi là vườn Thiền.

Vườn Karesansui bị ảnh hưởng mạnh từ Phật giáo thiền phái, thường được áp dụng tại các khuôn viên đền, chùa.

Vườn Karesansui bị ảnh hưởng mạnh từ Phật giáo thiền phái, thường được áp dụng tại các khuôn viên đền, chùa. Loại sân vườn Karesansui đã xuất hiện từ thời Muromachi (1392-1568). Trong kiểu thiết kế này, vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả theo quan niệm trừu tượng bằng cách sử dụng đá, cát, sỏi và những miếng rêu. Rất ít cây cỏ, thậm chí có nơi không hề có. Khu vườn được thiết kế trông như những hòn đảo hay ngọn núi nổi lên trên giữa mặt nước mênh mông trong khi không hề sử dụng một chút nước nào.

Nước ở đây chính là cát trắng được cào thành những vòng tròn gợn sóng xung quanh những hòn đá – tượng trưng cho những hòn đảo và núi non của Nhật Bản. Những viên sỏi hay phiến đá phẳng sẽ tượng trưng cho những cây cầu. Và một điều đặc biệt là, khu vườn luôn được thay đổi theo một thời gian nhất định. Những hòn đá, những làn sóng cát được sắp xếp lại theo chủ ý của chủ nhân khu vườn, nhưng những hòn sỏi hay phiến đá thì rất ít khi được sắp xếp lại, chúng chỉ được xếp lại theo một trật tự mới mỗi khi có sự can thiệp của thời tiết hoặc do sự vô tình của con người. Trong thiết kế sân vườn Karesansui, việc sắp đặt đá (stone) là quan trọng.

Do vậy, phải đặt đá đúng chỗ để cho được góc nhìn đẹp nhất. Nếu một viên đá có phẩn đỉnh trông xấu, bạn đừng đặt nó ngay giữa vườn, hãy đặt nó vào một bên sân vườn. Nên chú ý sắp đặt đá theo chiều ngang hơn là chiều đứng. Nếu các viên đá được sắp đặt càng ra xa, hãy bố trí cho chúng chạy nối tiếp nhau. Nếu các viên đá dựa vào nhau, bạn nên sắp đặt cho chúng hỗ trợ nhau.

Sắp xếp đá trong phong cách vườn Karesansui là vô cùng quan trọng.

Sắp xếp đá trong phong cách vườn Karesansui là vô cùng quan trọng. Vì Karesansui tập trung nhấn mạnh vào một không gian trống trải, tạo ra một vẻ đẹp tĩnh tại mà huyền bí, nên các chùa chiền, miếu mạo theo Thiền phái mới sử dụng nó. Theo kiểu thiết kế của Karesansui thì cách tốt nhất để ngắm khu vườn chính là khi bạn ngồi một mình, và theo đúng tư thế trang trọng nhất của Thiền phái. . Cũng vì mang vẻ đẹp huyền bí mà bản thân mỗi người, từ khách du lịch cho đến các vị tăng lữ khi ngắm Karesansui đều có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa và có những cách nhìn khác nhau như thế.

Nhưng tất cả đều cảm thấy được tâm hồn mình đang lắng lại, yên bình hơn, thậm chí có thể nhìn lại chính mình và tìm ra điều quan trọng nhất của cuộc đời.Vì sao chúng ta không thể nhận thức được hết sự thật một cách chính xác nhất? Đó là do tầm nhìn hạn chế của chúng ta, chỉ nhìn theo một hướng bằng con mắt chủ quan. Những quyết định lầm lẫn từ đó mà sinh ra. Khu vườn Thiền ở ngôi chùa Ryuuan, có khoảng 15 hòn đá luôn được sắp xếp một cách cố ý sao cho khi nhìn từ mọi góc độ, ta cũng chỉ nhìn thấy được 14 hòn đá mà thôi. Giống như thế, trong cuộc sống hiện thực, chúng ta không thể nhìn thấu mọi thứ. Chỉ có bằng suy ngẫm ta mới có thể sáng suốt hơn, thanh thản hơn, và đó chính là điều mà Karesansui nói riêng cũng như Thiền phái nói chung muốn mọi người hướng tới.

Vườn Karesansui đặc trưng bởi các đường vân được tạo từ sỏi hoặc cát gợi lên hình ảnh các cơn sóng. Kiểu vườn này thích hợp cho các khuôn viên sân vườn nhỏ.
 Vườn Karesansui đặc trưng bởi các đường vân được tạo từ sỏi hoặc cát gợi lên hình ảnh các cơn sóng. Kiểu vườn này thích hợp cho các khuôn viên sân vườn nhỏ.

Kiểu vườn cảnh Chaniwa( Trà Đình)

Chaniwa (茶庭), được ghép từ chữ Trà (Cha – 茶) và chữ Viên (Niwa –庭 ), dịch nghĩa ra sẽ là Vườn Trà. Sở dĩ có tên như vậy là bởi khu vườn có liên hệ mật thiết với Trà Đạo. Khi tham gia vào nghi lễ thưởng trà (Chanoyu) của người Nhật, bạn sẽ phải vào Trà thất (Chashitsu), và Trà thất thì lại nằm trong Chaniwa. Nói cách khác, Chaniwa là khu vườn được thiết kế để dành cho những nơi có tổ chức Chanoyu. Xuất hiện từ thế kỷ 14, thời đó Chaniwa không phải là khu vườn mà ai cũng có thể hiểu hết được vẻ đẹp của nó. Khu vườn đơn thuần chỉ là những bụi hoa hoặc cây nhỏ xanh mướt, xuyên qua chúng là những lối đi hẹp được làm một cách cẩn thận, có lát những bậc đá để bước lên, dẫn đến Trà thất. Con đường này gọi là nobedan, và những bậc đá đó được gọi là tobi-ishi, hoặc nori-no-ishi. Trong những bậc đá ấy, có 3 bậc đá có tên riêng: Yaku ishi – hòn đá lớn nhô lên nhằm nhấn mạnh khung cảnh nổi bật của khu vườn, fumi ishi – hòn đá cuối cùng để khách bước lên vào Trà thất, và fumiwake ishi – cao hơn và to hơn những hòn đá khác, thường đặt ở chỗ giao nhau của những nobedan.

Lối dạo để bước vào khu trà thất là rất quan trọng trong phong cách sân vườn Chaniwa.
Lối dạo để bước vào khu trà thất là rất quan trọng trong phong cách sân vườn Chaniwa.

Ngoài nobedan, Chaniwa còn có thêm những đặc trưng khác, đó là tourou – đèn đá, koshikake machiai – nơi dừng chân có ghế băng dài để ngồi chờ, sunasetchin – khu vệ sinh, tsukubai – bể nước bằng đá để cho khách rửa tay trước khi bước vào Trà thất, và nakakuguri – cổng nhỏ để bước vào vườn (còn gọi là Chuumon). Có nơi dựng đến 2 nakakuguri để tạo nên cảm giác chia đôi khu vườn, nhưng cũng có nơi sau khi bước qua nakakuguri thứ 2 rồi, bỗng xuất hiện thêm 1 nakakuguri thứ 3. Đôi lúc ta cũng bắt gặp một khu vườn Trà chỉ có nobedan mà không có những thứ kia, và vì thế mà Chaniwa còn có tên là Rojiniwa – khu vườn có lối đi hẹp.

Bất cứ ai muốn vào khu trà thất bắt buộc phải rửa sạch tay chân, như một hình thức thanh tẩy bản thân.
Bất cứ ai muốn vào khu trà thất bắt buộc phải rửa sạch tay chân, như một hình thức thanh tẩy bản thân.

Một nghi thức bắt buộc dành cho khách thưởng trà trước khi bước vào Trà thất, đó chính là phải thanh tẩy cơ thể. Nơi để thanh tẩy chính là bể nước bằng đá tsukubai. Tất nhiên không phải ra tsukubai đứng dội nước xối xả lên người, đây là bể nước lộ thiên, mà chỉ rửa tay thôi (nếu ko đi tất đi giày mà đi dép thì cũng phải rửa cả chân).Vì tsukubai là một bể nước thấp, nên khách phải cúi người thậm chí là quỳ xuống để rửa tay. Như thế để chứng tỏ sự khiêm tốn và nhún nhường của mình khi thưởng trà. Còn có một loại bể khác cao hơn, gọi là chozubachi, nhưng loại này chỉ có ở ngoài đền thờ miếu mạo mà thôi.

Bất cứ ai muốn vào khu trà thất bắt buộc phải rửa sạch tay chân, như một hình thức thanh tẩy bản thân.
Bất cứ ai muốn vào khu trà thất bắt buộc phải rửa sạch tay chân, như một hình thức thanh tẩy bản thân.

Kiểu vườn cảnh Tsukiyama( Trúc Sơn) Tsukiyama

(築山), nghĩa là “hòn non bộ”, được dựng lên với yếu tố chủ đạo là những ngọn núi nhân tạo, do đó nó còn được gọi là Vườn Đồi. Vườn Đồi được thiết kế để mang lại ấn tượng về một vùng đất rộng lớn, mặc dù hầu hết các khu vườn như thế này thực sự không lớn lắm, thậm chí là nhỏ. Đặc trưng của khu vườn kiểu này là những ngọn đồi, dòng suối, con thác nhỏ, những ao hồ trong veo, bên cạnh là cây cầu bắc ngang, điểm xuyết vào đó những bụi cây xanh tươi hay những bông hoa khoe sắc, những con đường nhỏ quanh co, y hệt như một bức tranh thu nhỏ của thiên nhiên rộng lớn. Có thể nói, Tsukiyama là khu vườn được thiết kế mô phỏng theo thế giới thiên nhiên chỉ bằng những yếu tố cơ bản của tự nhiên.

Phong cách sân vườn Tsukiyama chủ yếu là tái hiện lại hình ảnh đồi núi trong tự nhiên
Phong cách sân vườn Tsukiyama chủ yếu là tái hiện lại hình ảnh đồi núi trong tự nhiên

Loại vườn Tsukiyama biểu trưng cho những cái đẹp to lớn của thiên nhiên như núi, đồi, sông, suối…thông qua những vật thể thu nhỏ. Tsukiyama trở nên nổi tiếng kể từ thời Edo, với tên gọi cũ là Kasan – 1 khu vườn với những ngọn đồi nhân tạo, được thiết kế trái ngược hẳn với Hiraniwa – Vườn phẳng – là những khu vườn bình thường như những khu vườn phổ biến trong mọi ngôi nhà. Vườn Đồi được thiết kế chủ yếu dựa trên yếu tố Đồi núi và những đường viền quanh chân đồi, đây là kiểu thiết kế phổ biến nhất. Ngoài ra, những yếu tố như suối, ao hồ, bụi cây hay cây nhỏ các loại sẽ được dùng để làm nổi bật lên yếu tố chủ đạo đó.

Phong cách Tsukiyama tái hiện lại tự nhiên một cách chận thật nhất, thường được áp dụng cho các khuôn viên lớn.
Phong cách Tsukiyama tái hiện lại tự nhiên một cách chận thật nhất, thường được áp dụng cho các khuôn viên lớn.

Có một cây đặc biệt được trồng ở trên trước mặt ngọn đồi, đóng vai trò trung tâm của khu vườn – gọi là Shuboku (cây chủ), và cây đó có thể là cây thông (matsu) hoặc cây sồi, thỉnh thoảng người ta cũng dùng cây sakura hoặc liễu để làm Shuboku, nhưng chỉ với những khu vườn cá nhân được thiết kế theo sở thích cá nhân Còn với những Vườn Đồi ở chùa chiền như chùa Tenryu và Saihou ở Kyoto là những khu vườn trang trọng đầy tôn nghiêm thì chỉ sử dụng thông hoặc sồi làm Shuboku.

Bên cạnh Shuboku, cần chú ý thêm một điểm nữa là Hashibasami no ishi – những hòn đá xếp dưới chân cầu với ý nghĩa tương trợ và tượng trưng cho sức mạnh. Không chỉ có cây cỏ, non nước, một số Vườn Đồi còn có cả rùa và hạc, được xếp ở 2 hòn đảo riêng biệt. Vì theo thần thoại Trung Hoa và Nhật Bản, rùa và hạc là 2 linh vật biểu trưng cho sự trường thọ và cuộc sống hạnh phúc. Nếu 2 linh vật ấy đứng cùng nhau trong khu vườn thiên nhiên ấy, thì chúng sẽ mang lại hạnh phúc và sự trường sinh cho gia chủ.

Đặc điểm của vườn mang phong cách này là dù đứng ở đâu vẫn có thể bao quát cả khu vườn
Đặc điểm của vườn mang phong cách này là dù đứng ở đâu vẫn có thể bao quát cả khu vườn

Nếu như 2 loại vườn Karesansui và Chaniwa khiến người xem chìm vào thế giới tâm tưởng đầy tĩnh lặng và suy tư thì Tsukiyama lại khác hẳn. Nó giúp chúng ta về lại với thiên nhiên cây cỏ, sống lại trong thế giới hoang sơ và tự nhiên nhất, cảm nhận được không khí trong lành, sức sống âm ỉ nhưng không ngừng vươn lên trong từng sợi cỏ, hạt sương, tránh xa cuộc sống xô bồ, ồn ã và đầy bon chen. hay vào đó là những âm thanh đến từ tự nhiên, tiếng nước chảy róc rách từ những dòng suối nhỏ, tiếng thác nước reo vui trong nắng sớm, hay tiếng những con côn trùng đập cánh trong không trung …. tất cả những âm thanh nhẹ nhàng đầy trong trẻo đó liệu ta có thể tìm lại trong những thành phố công nghiệp hiện đại đầy khói bụi, khí đốt và những nhà máy công xưởng ngày nào cũng ầm ầm tiếng máy móc hoạt động? Quay về với tự nhiên, quan tâm đến thiên nhiên, và hãy bảo vệ thiên nhiên, đó chính là điều mà những nghệ nhân thiết kế Tsukiyama muốn chúng ta để ý và hướng tới.

Để thể hiện hình ảnh sông ngòi, ao hồ từ thiên nhiên các nhà làm vườn Nhật Bản thường ưu tiên thể hiện bằng hình ảnh cáchồ cá Koi
Để thể hiện hình ảnh sông ngòi, ao hồ từ thiên nhiên các nhà làm vườn Nhật Bản thường ưu tiên thể hiện bằng hình ảnh cáchồ cá Koi.
Trần Triệu Vỹ
Trần Triệu Vỹ

Xin chào, tôi là Founder & CEO SaiGon Landscape. Công ty thiết kế, thi công cảnh quan và sân vườn chuyên nghiệp. Hiện nay tôi còn dành thời gian chia sẻ đam mê, kinh nghiệm và kiến thức về sân vườn, hồ cá koi... Kết nối hoặc Xem chi tiết về tôi

Gọi ngay HOTLINE để được hỗ trợ tốt nhất
Hoặc click nút bên dưới để gửi yêu cầu